Chiến lược tương lai Khu_phi_quân_sự_Triều_Tiên

CHDCND Triều Tiên

Lực lượng vũ trang Triều Tiên có quân số 1,2 triệu người và luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 70% lực lượng bộ binh và 50% lực lượng không quân và hải quân đóng tại khu vực cách DMZ chỉ khoảng 100 km. Triều Tiên được cho là đã xây dựng một số hầm ngầm đi xuyên qua DMZ, với ít nhất bốn hầm đã bị phát hiện và niêm phong bởi Quân đội Hàn Quốc từ năm 1974 đến năm 2000. Từ đầu những năm 2000, một số báo cáo cho biết Bình Nhưỡng bắt đầu xây dựng một mạng lưới ít nhất 800 boongke gần biên giới Hàn Quốc, có khả năng chứa khoảng từ 1.500 đến 2.000 quân bảo vệ cứ điểm chỉ huy trước khi đoàn quân mũi nhọn mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới.

Trong trường hợp có chiến tranh, kế hoạch của Triều Tiên là sử dụng hỏa lực áp đảo và tiến công dồn dập. 3 quân đoàn bộ binh, I, II và IV, dưới sự hỗ trợ bởi lữ đoàn bộ binh cơ động và quân đoàn pháo binh Kangdong, 620, sẽ khởi động một cuộc tấn công chớp nhoáng qua DMZ. Bên cạnh đó, lực lượng máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay chở lính đặc công sẽ tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển Hàn Quốc cùng các cứ điểm chiến thuật. Kế tiếp, tàu ngầm của KPA sẽ triển khai biệt kích hải quân cũng như ngăn chặn sự phản công từ lực lượng Mỹ-Hàn. Trên bờ biển phía Tây, binh đoàn cơ giới 815 và binh đoàn xe tăng 820 của Triều Tiên được trang bị hàng trăm xe tăng cùng các xe chiến đấu bộ binh sẵn sàng triển khai tấn công. Trong khi ở khu vực phía Đông sẽ là địa bàn hoạt động của binh đoàn cơ giới 108 và 806 với chiến thuật tương tự. Các quân đoàn pháo binh như 620 và Kangdong sẽ nã pháo từ các khu vực thiết lập trận địa – hay còn gọi là HARTS. Đây là khu vực có địa thế cao, gần núi để các khẩu pháo hạng nặng có lợi thế độ cao chĩa về phía Nam, yểm trợ đoàn tiến quân. Ngoài ra nó còn cho phép quân đoàn pháo nép vào sườn núi, sườn đồi, hoặc địa hình gồ ghề để tránh đòn phản công từ lực lượng tên lửa, pháo binh và máy bay của quân đội Mỹ - Hàn. Nhiều khu vực HARTS đã bị xác định vị trí nhưng vẫn còn một số khu vực chưa được biết tới. Điều này giúp cho lực lượng Triều Tiên có thêm ưu thế trong cuộc chiến.

Hàn Quốc

Trong khi đó, phía nam DMZ, Hàn Quốc cũng bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc nhằm ngăn chặn quân lính Triều Tiên băng qua. Lực lượng Hàn Quốc thường xuyên tuần tra biên giới với trang bị súng máy hạng nặng và nhiều phương tiện quân sự hỗ trợ khác. Vào năm 2010, quân đội Hàn Quốc đưa robot vũ trang SGR-1 vào tham gia nhiệm vụ tuần tra DMZ. Điều này xuất phát từ gánh nặng chi phí nhân lực cùng phạm vi hoạt động quá rộng lớn. Ngoài ra Hàn Quốc còn tăng cường phòng thủ bằng cơ giới hóa cơ sở hạ tầng. Nhiều đường giao thông và đường cao tốc nối liền giữa Seoul và DMZ được thiết kế để dễ dàng ngăn chặn trong trường hợp quân lính từ bên ngoài tiến vào. Đường cao tốc nối liền hai miền liên Triều có thể dễ dàng bị chặn lại bởi xe tăng hạng nặng. Những chướng ngại vật này có thể làm giảm tốc độ tiến quân xuống vài giờ đồng hồ.

Trong trường hợp một cuộc tấn công xuyên biên giới xảy ra, lực lượng Hàn Quốc sẽ bằng mọi giá ngăn chặn quân lực từ KPA tiến sâu vào đất nước, bởi thủ đô Seoul chỉ cách vùng DMZ khoảng 50 km. Theo nhà phân tích quân sự Kyle Mizokami, Hàn Quốc có sự vượt trội về kỹ thuật, công nghệ và vũ khí nhưng Triều Tiên lại có lực lượng đông đảo và chiến thuật hơn. Do đó, bất kỳ một cuộc tấn công biên giới nào diễn ra, thời gian kéo dài càng lâu sẽ càng bất lợi cho phía Triều Tiên. Một cuộc tấn công kéo dài sẽ cho phép quân đội Hàn Quốc có thêm thời gian tăng cường khả năng hậu cần và huy động lực lượng thiện chiến nhất trên mặt đất, không quân, hải quân dưới sự trợ giúp của Mỹ, tiến vào cuộc chiến.